Mục lục bài viết
- 1. Ly hôn thuận tình là gì
- 2. Các điều kiện để Tòa án công nhận ly hôn thuận tình
- 3. Những giấy tờ cần nộp khi ly hôn thuận tình
- 4. Mẫu đơn ly hôn thuận tình
- 5. Thẩm quyền giải quyết công nhận thuận tình ly hôn
- 6. Án phí, lệ phí Toà án khi giải quyết ly hôn thuận tình
- 7. Trình tự các bước ly hôn thuận tình tại Tòa án nhân dân cấp huyện
- 8. Trình tự các bước ly hôn thuận tình tại Tòa án nhân dân cấp Tỉnh:
- 9. Một số câu hỏi về ly hôn thuận tình
1. Ly hôn thuận tình là gì
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Trường hợp chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án của Tòa án là ly hôn đơn phương, trường hợp chấm dứt quan hệ vợ chồng theo quyết định của Tòa án là ly hôn thuận tình.
Ly hôn thuận tình là trường hợp vợ chồng cùng ký vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoặc Một bên có đơn khởi kiện ly hôn, còn bên kia đồng ý ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
Nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
2. Các điều kiện để Tòa án công nhận ly hôn thuận tình
Để Tòa án công nhận thuận tình ly hôn thì vợ chồng đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
– Vợ chồng cùng ký đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn một cách tự nguyện, hoặc một bên có yêu cầu ly hôn và bên còn lại đồng ý ly hôn.
– Vợ chồng đạt thỏa thuận về việc chia tài sản, công nợ khi ly hôn
– Vợ chồng thỏa thuận về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con khi ly hôn
– Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
3. Những giấy tờ cần nộp khi ly hôn thuận tình
Ly hôn thuận tình là vụ việc ly hôn mà hai bên vợ chồng thỏa thuận được với nhau về các vấn đề ly hôn, chăm sóc con cái, phân chia tài sản chung, công nợ chung, án phí.
Những giấy tờ mà hai bên vợ chồng cần chuẩn bị để nộp đến Tòa án yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn cần những gì. Dưới đây Luật Bạch Minh hướng dẫn các bên cần chuẩn bị bao gồm:
3.1 Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Theo quy định, Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn phải được làm theo Mẫu số 01-VDS Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đơn yêu cầu ly hôn phải ghi rõ Tòa án mà người yêu cầu muốn nộp đơn và thể hiện rõ nội dung các yêu cầu mà người nộp đơn muốn Tòa án xem xét giải quyết. Nếu đơn yêu cầu không đúng mẫu hoặc không đủ nội dung thì Tòa án sẽ trả lại đơn hoặc yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn yêu cầu.
Để hạn chế các sai sót khi viết đơn ly hôn, các bên có thể thực hiện như sau:
– Nhờ Luật sư tư vấn và soạn thảo đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và các giấy tờ kèm theo hoặc
– Các bên có thể đến trực tiếp bộ phận một cửa của Tòa án nơi dự kiến nộp hồ sơ để mua mẫu đơn yêu cầu và nhờ Tòa án hướng dẫn cách viết đơn ly hôn.
3.2 Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
Các bên cần nộp Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, trong trường hợp bản chính bị mất thì có thể ra Ủy ban nhân dân xã/phường nơi đăng ký kết hôn để xin bản trích lục giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
3.3 Giấy xác nhận thông tin cư trú
Giấy xác nhận thông tin cư trú được cấp bởi Cơ quan công an xã/phường nơi cư trú của hai vợ chồng hoặc nơi cư trú của vợ hoặc của chồng.
3.4 Giấy khai sinh của các con
Bản trích lục hoặc bản sao chứng thực Giấy khai sinh của các con chung (nếu vợ chồng có con chung)
3.5 Giấy tờ về tài sản chung và công nợ chung
Bản sao các giấy tờ về tài sản chung (nếu có) như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ); Giấy Chứng nhận đăng ký ô tô, xe máy; Sổ tiết kiệm ngân hàng.
3.6 Bản trình bày nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi
Trong trường hợp hai vợ chồng có con chung từ đủ 07 tuổi đến dưới 18 tuổi thì con phải có bản trình bày về mong muốn và nguyện vọng của con được ở với ai sau khi bố mẹ ly hôn. Để đảm bảo đúng nguyện vọng của con, trong quá trình giải quyết vụ việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn Thẩm phán sẽ yêu cầu vợ chồng và các con đến Tòa án để Thẩm phán trực tiếp hỏi về nguyện vọng của con.
3.7 Các giấy tờ khác theo từng trường hợp vụ việc
4. Mẫu đơn ly hôn thuận tình
Mẫu đơn ly hôn thuận tình được sử dụng là Mẫu số 01-VDS Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Các lưu ý khi soạn đơn ly hôn thuận tình
(1) Ghi loại việc dân sự mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải Quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (ví dụ: Yêu cầu tuyên bố một người mất tích; yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật; yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu;…).
(2) và (5) Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự; nếu là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi rõ tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội); nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam).
(3) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của người đó; nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và họ tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó. Nếu là người đại diện theo pháp luật thì sau họ tên ghi “- là người đại diện theo pháp luật của người có quyền yêu cầu” và ghi rõ họ tên của người có quyền yêu cầu; nếu là người đại diện theo ủy quyền thì ghi “- là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền yêu cầu theo văn bản ủy quyền được xác lập ngày ………” và ghi rõ họ tên của người có quyền yêu cầu. Trường hợp có nhiều người cùng làm đơn yêu cầu thì đánh số thứ tự 1, 2, 3,… và ghi đầy đủ các thông tin của từng người.
(4) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu (ví dụ: thôn Bình An, xã Phú Cường, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội); nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu (ví dụ: trụ sở tại số 20 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).
(6) Ghi cụ thể những nội dung mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải quyết.
(7) Ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó.
(8) Ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó.
(9) Ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
(10) Ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,… (ví dụ: 1. Bản sao Giấy khai sinh của ông Nguyễn Văn A; 2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông Trần Văn B và bà Phạm Thị C;….).
(11) Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu (ví dụ: Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2018; Hưng Yên, ngày 18 tháng 02 năm 2019).
(12) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đó; nếu là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp người yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp có nhiều người cùng yêu cầu thì cùng ký và ghi rõ họ tên của từng người vào cuối đơn yêu cầu.
Xem thêm video hướng dẫn cách chuẩn bị hồ sơ thuận tình ly hôn
5. Thẩm quyền giải quyết công nhận thuận tình ly hôn
5.1 Thẩm quyền giải quyết công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án cấp huyện:
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, Tòa án nhân dân cấp Huyện có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về thuận tình ly hôn thuận trong nước, ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam)
5.2 Thẩm quyền giải quyết công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án cấp Tỉnh:
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết cấp sơ thẩm các yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Yếu tố nước ngoài là: Đương sự (vợ, chồng) hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc để giải quyết việc ly hôn Tòa án Việt Nam cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
6. Án phí, lệ phí Toà án khi giải quyết ly hôn thuận tình
Khi nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, Người nộp đơn cẩn phải nộp Án phí và lệ phí Tòa án theo Quy định.
Hiện tại, mức Án phí, lệ phí Tòa án được áp dụng theo Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.
Theo đó, Án phí, lệ phí Toà án khi giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình được chia thành CÓ GIÁ NGẠCH và KHÔNG GIÁ NGẠCH.
– Đối với thuận tình ly hôn áp dụng, lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn mà các đương sự phải nộp là: 300.000 đồng
– Lưu ý : Trong quá trình Tòa án giải quyết yêu cầu về ly hôn, nếu các bên có Tranh chấp về tài sản mà yêu cầu Tòa án giải quyết thì các bên phải nộp Án phí có giá ngạch theo giá trị tài sản yêu cầu tòa án phân chia cụ thể như sau:
+ Khi yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung, công nợ chung: Người yêu cầu phải nộp tạm ứng án phí với mức thu là 50% số tiền Án phí/lệ phí Tòa án phải nộp.
+ Sau khi Tòa án xét xử, căn cứ Bản án/Quyết định có hiệu lực của Tòa án mỗi bên phải chịu án phí tương ứng với giá trị phần tài sản mà mỗi bên được chia theo quy định của pháp luật về án phí.
7. Trình tự các bước ly hôn thuận tình tại Tòa án nhân dân cấp huyện
Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu ly hôn thuận tình:
Hồ sơ được các bên nộp trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền hoặc gửi đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết qua đường Bưu điện.
Bước 2: Tòa án thụ lý hoặc Trả lại hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.
– Nếu Đơn yêu cầu ly hôn thuận tình và các tài liệu chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí giải quyết yêu cầu tại cấp Sơ thẩm, thời hạn nộp lệ phí yêu cầu giải quyết ly hôn là 05 ngày làm việc, sau khi người yêu cầu nộp lại cho Tòa án Biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự Tòa án tiến hành Thụ lý yêu cầu.
– Nếu hồ sơ thuận tình ly hôn chưa đầy đủ nội dung theo quy định thì Tòa án yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung, thời hạn sửa đổi bổ sung là 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.
– Tòa án sẽ trả lại Đơn yêu cầu ly hôn thuận tình và các tài liệu chứng cứ nếu
+ Nếu Người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hoặc
+ Vụ việc yêu cầu không đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án hoặc
+ Người yêu cầu không nộp lệ phí trong thời hạn quy định hoặc
+ Người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu trong thời hạn 07 ngày làm việc hoặc
+ Người yêu cầu rút đơn yêu cầu;
Bước 3: Tòa án gửi đương sự Thông báo thụ lý đơn yêu cầu Công nhận thuận tình ly hôn:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải Thông báo Thụ lý đơn yêu cầu Công nhận thuận tình ly hôn gửi cho đương sự.
Bước 4: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu
Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án tiến hành công việc sau đây
(1) Tòa án tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
(2) Nếu xét thấy cần thiết, Tòa án có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
Bước 5: Tòa án ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn:
– Nếu hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.
– Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, và đã hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày các bên tham dự phiên hòa giải, các bên không có thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
+ Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
+ Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
– Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án tranh chấp về Hôn nhân gia đình để giải quyết. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục giải quyết vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Trong trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn ly hôn thuận tình của Văn phòng Luật sư Bạch Minh thì mọi thủ tục và hồ sơ đều được Văn phòng soạn thảo và thời gian giải quyết vụ việc sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.
Xem thêm Video hướng dẫn trình tự giải quyết thuận tình ly hôn tại Tòa án
8. Trình tự các bước ly hôn thuận tình tại Tòa án nhân dân cấp Tỉnh:
Mặc dù đều là thủ tục giải quyết yêu cầu Công nhân thuận tình ly hôn, tuy nhiên do có yếu tố nước ngoài nên trình tự và thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại Tòa án cấp tỉnh có khác biệt so với Tòa án nhân dân cấp huyện. Cụ thể qua các bước cơ bản dưới đây:
Bước thứ nhất. Chuẩn bị giấy tờ ly hôn
Trước khi nộp đơn yêu cầu thuận tình ly hôn, các bên cần chuẩn bị giấy tờ liên quan đến việc ly hôn thuận tình. Các giấy tờ kèm theo đơn yêu cầu thuận tình ly hôn bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Giấy khai sinh của các con; Giấy tờ về tài sản, công nợ; Giấy xác nhận thông tin cư trú và một số giấy tờ khác theo từng trường hợp.
Lưu ý:
+ Trong đơn yêu cầu Tòa án Việt Nam giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình, Người yêu cầu phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài trong đơn yêu cầu kèm theo giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự đó. Trường hợp không ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài hoặc thiếu những nội dung trên thì phải bổ sung trong thời hạn do Tòa án ấn định, hết thời hạn đó mà không cung cấp được thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
+ Trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự hoặc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc yêu cầu Tòa án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tuyên bố đương sự mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trả lời cho Tòa án Việt Nam không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài hoặc sau 06 tháng mà không có trả lời thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu
+ Pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành cho phép các đương sự vắng mặt nếu có lý do chính đáng và phải có đơn đề nghị giải quyết Vắng mặt, do đó nếu các bên đang làm việc sinh sống tại nước ngoài không thể trực tiếp về Việt Nam để nộp hồ sơ ly hôn thì có thể gửi hồ sơ qua đường Bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
+ Tòa án Việt Nam công nhận giấy tờ, tài liệu do cá nhân cư trú ở nước ngoài lập trong các trường hợp sau đây:
(a) Giấy tờ, tài liệu lập bằng tiếng nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt có công chứng, chứng thực hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(b) Giấy tờ, tài liệu được lập ở nước ngoài được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nước ngoài và đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
(c) Giấy tờ, tài liệu do công dân Việt Nam ở nước ngoài lập bằng tiếng Việt có chữ ký của người lập giấy tờ, tài liệu đó và đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bước thứ hai. Nộp đơn yêu cầu giải quyết công nhận thuận tình ly hôn
Hai bên vợ chồng nộp đơn giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cụ thể:
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đăng ký cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh của vợ chồng đối với trường hợp cả hai vợ chồng hiện đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài.
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đăng ký cư trú của một bên có quốc tịch Việt Nam trong trường hợp vợ hoặc chồng là người có Quốc tịch nước ngoài.
Tại bước này các bên lưu ý phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo nội dung tại đơn yêu cầu giải quyết công nhận thuận tình ly hôn. Trong trường hợp không đầy đủ giấy tờ Tòa án sẽ không thụ lý hoặc yêu cầu các bên sửa đổi, bổ sung tài liệu.
Bước thứ ba. Nộp lệ phí giải quyết yêu cầu ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và thông báo đến các đương sự về việc nộp tiền án phí. Một trong hai bên tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí tại Cục thi hành án dân sự
Bước thứ tư. Tham dự phiên họp hòa giải do Tòa án tổ chức:
Sau khi nhận được biên lai nộp tiền án phí, Thẩm phán thông báo đến hai bên vợ chồng về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp hòa giải về các nội dung yêu cầu tại đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Trường hợp một trong các bên đang sinh sống làm việc tại nước ngoài không và đã có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt thuộc trường hợp không hòa giải được, do đó Tòa án sẽ không tổ chức buổi hòa giải đối thoại tại Tòa án mà sẽ thông báo ngày mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Bước thứ năm. Tòa án mở phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Theo quy định Tòa án sẽ mở phiên họp để xem xét đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nếu cả hai bên hoặc một bên nước ngoài đã có đơn xin giải quyết Vắng mặt và trình bày nguyện vọng mong muốn ly hôn thuận tình thì Tòa Án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành.
9. Một số câu hỏi về ly hôn thuận tình
Câu hỏi 1: Xin hỏi Thời gian giải quyết về vụ việc yêu cầu ly hôn thuận tình là bao lâu
Trả lời:
Thời gian giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thông thường là 1 đến 3 tháng, trong một số trường hợp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn soạn đúng và đầy đủ các thông tin, giấy tờ nộp kèm đơn yêu cầu ly hôn đầy đủ thì thời gian giải quyết khoảng 1 tháng.
Câu hỏi 2: Thời gian giải quyết về vụ việc yêu cầu ly hôn thuận tình là bao lâu
Trả lời:
– Một bên vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài không về Việt Nam được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thuận tình được không?
Có thể yêu cầu ly hôn thuận tình được, trong trường hợp này các bên phải chuẩn bị đúng và đủ hồ sơ và các hồ sơ đối với người đang ở nước ngoài phải được chứng nhận chữ ký tại Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.
Đối với các trường hợp có vợ hoặc chồng đang sinh sống tại nước ngoài mà yêu cầu ly hôn thuận tình thì việc chuẩn bị hồ sơ rất phức tạp nếu không đúng nội dung hồ sơ hoặc sai mẫu thì sẽ phải xin lại chứng nhận chữ ký tại Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài nhiều lần. Vì vậy, việc cần Luật sư tư vấn pháp luật là điều cần thiết nhất đối với trường hợp này.
Câu hỏi 3: Tôi có thể nộp hồ sơ ly hôn thuận tình đến Tòa án bằng các hình thức nào?
Trả lời:
Đơn yêu cầu ly hôn thuận tình và giấy tờ kèm theo các bên có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc nộp qua đường bưu điện. Để đảm bảo hồ sơ ly hôn thuận tình nộp sớm và không bị thất lạc thì các bên nên nộp trực tiếp tại Tòa án.
Câu hỏi 4: Vợ chồng tôi là người có Quốc tịch Việt Nam nhưng đang ở nước ngoài, vậy Tôi hoặc chúng tôi có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam giải quyết ly hôn vắng mặt cả hai vợ chồng được không?
Trả lời:
Việc ly hôn vắng mặt hai vợ chồng vì lý do cả hai bên đang ở nước ngoài không có điều kiện về Việt Nam để có mặt giải quyết ly hôn có thể được Tòa án chấp nhận.
Để thực hiện việc ly hôn, trước tiên bạn cần xác định chính xác Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn để vợ chồng bạn làm đơn ly hôn cho chính xác. Do các bạn không về Việt Nam và xin giải quyết vắng mặt nên vợ chồng bạn phải đến Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để xin Chứng thực chữ ký vào Đơn ly hôn và đơn xin giải quyết vắng mặt của vợ chồng bạn đồng thời vợ chồng bạn cũng nên Ủy quyền cho một người tại Việt Nam đại diện nhận các Văn bản tố tụng của Tòa án. Đơn ly hôn và các tài liệu kèm theo như Đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của các con chung nếu có được gửi cho Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam bằng đường Bưu điện.
Miễn trừ trách nhiệm:
Bài viết này chỉ cung cấp các thông tin chung và các Văn bản hoặc các quy định của pháp luật được trích dẫn tại bài viết có thể được sửa đổi, thay thế và/hoặc hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc bài viết này. Luật Bạch Minh không chịu trách nhiệm liên quan đến việc Khách hàng sử dụng nội dung bài viết này như là ý kiến tư vấn pháp lý chính thức của chúng tôi cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Chúng tôi khuyến nghị Khách hàng nên tham khảo ý kiến của Luật sư/Chuyên gia pháp lý trước khi áp dụng. Bản quyền bài viết thuộc về Luật Bạch Minh, mọi hành vi Copy/Sao chép nếu chưa được sự chấp thuận của chúng tôi là vi phạm pháp luật. |