Điều kiện giành quyền nuôi con khi ly hôn

1. Các quy định về quyền nuôi con khi ly hôn:

Khi ly hôn cả vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Tuy nhiên sau khi ly vợ chồng không sinh sống cùng nhau nên buộc vợ chồng phải thoả thuận về việc ai sẽ là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trường hợp nếu vợ chồng đều muốn giành quyền nuôi con thì yêu cầu toà án xem xét và giải quyết.

Trong quá trình giải quyết, Toà án sẽ xem xét đánh giá lời khai, tài liệu chứng cứ chứng minh các điều kiện nuôi con của các bên và mong muốn và nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Đối với con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Quy định này được cụ thể tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

 2. Các điều kiện giành quyền nuôi con khi ly hôn

Trường hợp vợ chồng không đạt được thoả thuận về người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con khi ly hôn thì có quyền yêu cầu Toà án xem xét và quyết định giao cho cho người có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng con tốt nhất. Do đó các bên cần thu thập các tài liệu, bằng chứng chứng minh mình đáp ứng các điều kiện chăm sóc con như:

– Về tình cảm và sự quan tâm yêu thương lo lắng của cha mẹ với con:

Thực tế cho thấy Cha mẹ có thực sự quan tâm, yêu thương con thật lòng thì mới có thể dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục con. Sự quan tâm, chăm lo không phải ngày một ngày hai mà phải diễn ra trong thời gian dài và đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại của cha và mẹ. Như vậy, các tài liệu, bằng chứng chứng minh sự quan tâm lo lắng của cha mẹ với con trước khi ly hôn là một trong các chứng cứ để Toà án xem xét giải quyết.

Các tài liệu chứng minh là những chứng cứ rất đời thời mà cha mẹ lưu giữ, đó có thể là ảnh chụp đưa đón con đi học, họp phụ huynh, ảnh chụp khi con bị ốm vào viện điều trị…..

Thực tế, trong quá trình tư vấn, giải quyết các tranh chấp giành quyền nuôi con khi ly hôn, Luật sư của chúng tôi từng tiếp và tư vấn cho những bậc cha, mẹ có yêu cầu bằng mọi cách phải giảnh được quyền nuôi con lý do thì rất nhiều như: Vì cái Tôi, hay cháu là con trai sau này có trách nhiệm thờ cúng hương hoả, rồi vì ông bà cháu muốn ở cũng cháu và thậm chí là để gây sức ép để bên kia rút đơn ly hôn. Tuy nhiên khi Luật sư của chúng tôi đặt câu hỏi về quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con trước đây thì không ít khách hàng nói rằng đó là trách nhiệm của người mẹ hoặc ông bà hoặc Khách hàng chỉ biết đi làm kiếm tiền còn việc chăm lo cho các con đã có người kia gánh vác. Và khi luật sư của chúng tôi tiếp tục đặt ra một vài tình huống mà Khách hàng cần phải làm nếu được Toà án quyết định giao cho cho họ nuôi thì không ít trường hợp không có phương án giải quyết như vậy nếu giao con cho những trường hợp này, nếu không tính đến các yếu tố khác thì con cái sẽ phải gánh chịu  tất cả.

– Các điều kiện về vật chất:

Đây là các tài liệu chứng minh nguồn thu nhập ổn định, hợp pháp của cha, mẹ. Đó có thể là thu nhập từ lao động như: Hợp đồng lao động, Sao kê bảng lương, Sao kê tài khoản lương. Thu nhập từ các nguồn khác như: Sổ tiết kiệm, Chứng nhận cổ phần cổ phiếu, trái phiếu, cho thuê tài sản.

Thực tế cho thấy, không phải ai có nhiều tiền, có thu nhập cao sẽ dành được quyền nuôi con khi ly hôn. Tuy nhiên, mức thu nhập mà Toà án xem xét phải đảm bảo đủ mức chi trả cho các chi phí sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khoẻ theo nhu cầu chi tiêu thực tế của người đó và của con nếu được giao trực tiếp nuôi con.

– Điều kiện về chỗ ở:

Một trong những điều kiện khi chứng minh điều kiện nuôi con đó là chỗ ở của mỗi bên vợ chồng sau ly hôn. Quy định của pháp luật không có quy định bắt buộc là người nhận nuôi con phải có tài sản riêng là Nhà đất thì mới được nuôi con, tuy nhiên nếu  đặt trong tình huống vợ chồng đều muốn giành quyền nuôi con trong khi các điều kiện khác của hai bên là như nhau thì quyền trực tiếp nuôi con sẽ được Toà án ưu tiên giao cho người có điều kiện về chỗ ở ổn định.

Điều này xuất phát từ thực tế, nếu một người không có nơi cư trú cố định nay đây mai đó và thường xuyên phải thay đổi chỗ ở sẽ ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và học tập của con.

– Điều kiện về thời gian chăm sóc, giáo dục:

Việc nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục con cần rất nhiều thời gian và công sức. Ở các độ tuổi khác nhau các con có sự thay đổi về nhận thức, tâm lý và tình cảm của con trẻ, do đó yêu cầu người trực tiếp nuôi con phải dành thời gian quan tâm, quan sát để kịp thời giáo dục dạy dỗ các con. Nếu một người làm các công việc có tính chất đặc thì như thường xuyên vắng nhà vì phải đi công trình, đi công tác dài ngày, lái xe đường dài, hoặc người đó làm công việc quá bận rộn mất nhiều thời gian thì sẽ không có điều kiện về thời gian để chăm sóc giáo dục con.

Đối với những người đang phải thụ án tù giam vì hành vi vi phạm pháp luật thì cũng không có điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục các con (ngoại trừ trường hợp con dưới 36 tháng tuổi).

– Về môi trường sống và sinh hoạt:

Môi trường sống của con người nói chung bao gồm gia đình, nhà trường và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, nhận thức của con người. Đối với con trẻ môi trường của chúng là gia đình và nhà trường và môi trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, tình cảm của con. Do đó trường hợp một bên cha hoặc mẹ thường xuyên tiếp xúc, tụ tập bạn bè để hút chích, bài bạc (hay còn gọi là Tệ nạn xã hội) và bên còn lại thì sống lành mạnh. Căn cứ vào các quyền lợi mọi mặt của con, Toà án sẽ Quyết định giao con cho thì sẽ ảnh hưởng không tốt cho con trẻ.

– Mong muốn và nguyện vọng của con trên 7 tuổi:

Trường hợp con từ 7 tuổi trở lên phải nếu có mong muốn được ở với cha hoặc với mẹ thì Tòa án sẽ xem xét theo nguyện vọng của con. Do đó, Bản trình bày của con từ 7 tuổi về mong muốn và nguyện vọng được ở cùng cha hoặc mẹ sẽ là một điều kiện để toà án xem xét.

3. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn:

Cấp dưỡng nuôi con là trách nhiệm của bên không trực tiếp nuôi con phải thực hiện việc đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.

Trích quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

4. Về mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn:

Trích quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn có thể được vợ chồng thỏa thuận, khi đó mức cấp dưỡng nuôi con được xác định căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và chi phí chi trả cho nhu cầu học tập, sinh hoạt và chăm sóc sức khoẻ của con. Mức cấp dưỡng có thể thay đổi do thoả thuận của vợ chồng. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được về mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trước đây Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có các Văn bản hướng dẫn về số tiền cấp dưỡng và xác định số tiền cấp dưỡng như sau:

Theo Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cáp hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hướng dẫn như sau:

Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

– Theo Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Toà án nhân dân tối cao về giải đáp bổ sung một số vấn đề về áp dụng pháp luật. Tại Mục 2, Phần III, có hướng dẫn về như sau:

2. Khi quyết định việc đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con, thì Toà án căn cứ vào đâu và mức đóng góp phí tổn tối thiểu là bao nhiêu?

Trước hết phải khẳng định rằng việc quyết định người không nuôi giữ con phải đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con là căn cứ vào Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình “… Người không nuôi giữ con có nghĩa vụ và quyền thăm nom, chăm sóc con và phải đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con. Nếu trì hoãn hoặc lẩn tránh việc đóng góp, thì Toà án nhân dân quyết định khấu trừ vào thu nhập hoặc buộc phải nộp những khoản phí tổn đó…”. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau về việc đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con, thì việc quyết định mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con phải tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Toà án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, căn cứ vào mức sống của nhân dân ta trong hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay, Toà án nhân dân tối cao tạm thời hướng dẫn là mức đóng góp phí tổn nuôi

Ở thời điểm hiện tại, Pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào quy định cụ thể mức cấp dưỡng cho con sau khi bố mẹ ly hôn trong khi 02 Văn bản của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn các quy định của các luật Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Bộ luật dân sự năm 2005 đã hết hiệu lực thi hành vì được thay thế bằng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật dân sự 2015.

Trên thực tế xem xét và giải quyết về mức cấp dưỡng Tòa án thường căn cứ vào chứng từ, hóa đơn… liên quan đến chi phí hợp lý để nuôi dưỡng, chăm sóc con và thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng để đưa ra một mức cấp dưỡng phù hợp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu của con.

5. Thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợpcó yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Như vậy, Quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi con sau ly hôn đã được Toà án ghi nhận Tại Bản Án ly hôn hoặc Quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên quyền trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc con sau ly hôn không phải là cố định mà có thể thay đổi trong các trường hợp dưới đây:

– Thay đối quyền nuôi con sau ly hôn theo thoả thuận của vợ chồng:

Xuất phát từ các điều kiện thực tế của mỗi bên trong việc nuôi và chăm sóc giáo dục con và nhu cầu sinh hoạt học tập của con mà cha mẹ sẽ thoả thuận về việc thay đổi người nuôi con nhằm đảm bảo con được hưởng các điều kiện chăm sóc giáo dục tốt nhất.

Thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn theo yêu cầu của một bên

Bản chất của việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con theo yêu cầu của một bên là vụ án tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn. Theo đó, người không trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xem xét giải quyết thay đổi quyền nuôi con nếu thấy người đang trực tiếp nuôi con không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng con hoặc người đó không còn có các điều kiện để chăm sóc giáo dục con.

– Thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn theo yêu cầu của người thân thích và tổ chức xã hội khác

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Như vậy, trong trường hợp Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc có hành vi ngược đãi con nhưng bên kia không có ý kiến hoặc không dám có ý kiến thì các tổ chức xã hội và người thân thích có quyền yêu cầu Toà án thay đổi quyền nuôi con.

6. Cơ sở pháp lý về quyền nuôi con khi ly hôn

Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2014 cảu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình

Án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Miễn trừ trách nhiệm:

Bài viết này chỉ cung cấp các thông tin chung và các Văn bản hoặc các quy định của pháp luật được trích dẫn tại bài viết có thể được sửa đổi, thay thế và/hoặc hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc bài viết này. Luật Bạch Minh không chịu trách nhiệm liên quan đến việc Khách hàng sử dụng nội dung bài viết này như là ý kiến tư vấn pháp lý chính thức của chúng tôi cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào.

Chúng tôi khuyến nghị Khách hàng nên tham khảo ý kiến của Luật sư/Chuyên gia pháp lý trước khi áp dụng.

Bản quyền bài viết thuộc về Luật Bạch Minh, mọi hành vi Copy/Sao chép nếu chưa được sự chấp thuận của chúng tôi là vi phạm pháp luật.


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại TP Hà Nội

Mobile: 0904152023

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh

Mobile: 0865 285828

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Chat với Luật Sư
Chat ngay