Thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn

Sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ là người không được Toà án giao quyền trực tiếp nuôi con hoặc cá nhân, tổ chức do pháp luật quy định có quyền yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con là người chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Mục đích của việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là nhằm đảm bảo tốt quyền lợi tốt nhất cho con.

1. Quy định của pháp luật về việc thay đổi quyền nuôi con

Tại Điều 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định về Chủ thể yêu cầu và các căn cứ thay đổi quyền nuôi con như sau:

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợpxét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợpcó căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

2. Các trường hợp thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn:

Tùy tường trường hợp, Tòa án sẽ xem xét mục đích của yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con để chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu cụ thể:

Thứ nhất: Thỏa thuận của cha mẹ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con có phù hợp với lợi ích của con hay không;

Thứ hai: Thay đổi quyền nuôi con theo yêu cầu của một bên cha hoặc mẹ trong trường hợp người đang trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con không còn đáp ứng các điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục con hoặc

Thứ ba: Thay đổi quyền nuôi con theo yêu cầu của người thân thích của con, theo yêu cầu của các tổ chức xã hội trong các trường hợp người đang trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Vậy các điều kiện gì để người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án thay đổi quyền nuôi con, và thủ tục thay đổi quyền nuôi con như thế nào?

3. Các điều kiện để yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn:

Hiện tại, pháp luật chưa có quy định cụ thể về các điều kiện khi yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Tuy nhiên từ thực tiễn giải quyết chúng tôi thấy một số điều kiện dưới đây được Tòa áp dụng:

– Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;

– Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;

– Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;

– Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;

– Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;

– Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;

– Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.

– Mong muốn và nguyện vọng của con trên 7 tuổi:

4. Hồ sơ thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn:

– Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con

– Thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân của người yêu cầu

– Giấy khai sinh của con (Bản sao công chứng)

– Giấy xác nhận thông tin cư trú của người yêu cầu

– Quyết định/Bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. (Bản sao công chứng)

– Các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu thay đổi quyền nuôi con như: Văn bản thoả thuận của cha mẹ về việc thay đổi quyền nuôi con, Bản trình bày mong muốn nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi về việc muốn ở với ai, tài liệu, chứng cứ chứng minh điều kiện nuôi con của các bên….

5. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn

5.1 Thay đổi quyền nuôi con trong trường hợp cha mẹ và con đều cư trú trong nước:

Căn cứ điều 35; Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

– Tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

– Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án cấp huyện nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết;

5.2 Thay đổi quyền nuôi con trong trường hợp cha mẹ cư trú ở nước ngoài:

Căn cứ Khoản 3 Điều 35, Điều 469 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 9 Nghị Quyết số 01/2024 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tôi cao hướng dẫn:

Trường hợp cha và mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đơn khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, con chung đang sinh sống tại Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh nơi con chung đang cư trú tại Việt Nam.

6. Thủ tục giải quyết yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn

Thủ tục thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn là thủ tục tố tụng dân sự nên trình tự đến thay đổi quyền nuôi con sẽ được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự như sau:

6.1 Thủ tục thay đổi quyền nuôi con theo thỏa thuận của cha mẹ

Việc cha mẹ yêu cầu Toà án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con là thủ tục giải quyết yêu cầu về hôn nhân gia đình. Thủ tục giải quyết yêu cầu được tiến hành qua các bước sau:

Bước 1: Cha, mẹ gửi đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn đến tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Bước 2: Tòa án thụ lý hồ sơ và thông báo về việc nộp án phí

Bước 3: Tổ chức buổi họp giữa các bên về yêu cầu thay đổi quyền nuôi con theo thỏa thuận của hai vợ chồng. Trong trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con.

Bước 4: Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận thay đổi quyền nuôi con.

6.2 Thủ tục thay đổi quyền nuôi con theo yêu cầu của người không trực tiếp nuôi dưỡng con

Bản chất của việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con theo yêu cầu của một bên là vụ án tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn. Theo đó, người không trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xem xét giải quyết thay đổi quyền nuôi con nếu thấy người đang trực tiếp nuôi con không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng con hoặc người đó không còn có các điều kiện để chăm sóc giáo dục con.

Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi dưỡng con cái sau ly hôn phát hiện người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Thì người không trực tiếp nuôi dưỡng con gửi đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn.

Về thủ tục thay đổi quyền nuôi con theo yêu cầu của người không trực tiếp nuôi dưỡng con được thực hiện theo các bước cơ bản sau:

Bước 1: Người không trực tiếp nuôi dưỡng con gửi đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn. Người không trực tiếp nuôi dưỡng bao gồm: Cha hoặc mẹ, người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ.

Bước 2: Tòa án tiếp nhận hồ sơ khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn và thụ lý hồ sơ. Sau khi thụ lý hồ sơ tòa án thông báo người khởi kiện nôp tạm ứng án phí và xác minh thông tin hồ sơ vụ việc.

Bước 3: Chuẩn bị xét xử vụ việc thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn

Trước khi tiến hành mở phiên tòa giải quyết về khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn, Tòa án sẽ triệu tập các bên nguyên đơn và bị đơn để yêu cầu cung cấp thêm thông tin và bổ sung tài liệu (nếu có)

Tại buổi triệu tập Tòa án sẽ hỏi ý kiến hai bên nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận về việc phân chia người trực tiếp nuôi dưỡng con. Nếu thỏa thuận thành thì Tòa án sẽ ghi nhận ghi nhận thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết toàn bộ vụ án và được Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận.

Nếu không hòa giải thành Tòa án sẽ thông báo mời tham gia phiên tòa xét xử giải quyết khởi kiện thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn.

Bước 4: Mở Phiên tòa xét xử sơ thẩm

Tòa án sẽ giải quyết về việc thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn nếu có căn cứ chứng minh về người hiện tại người trực tiếp nuôi dưỡng con không đủ điều kiện để chăm sóc nuôi dưỡng con.

7. Lệ phí Toà án khi yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn

Căn cứ Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn giảm thu nộp quản lý và sử dụng án phí Tòa án. Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch mức thu là: 300.000 đồng

Theo đó với yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn hoặc khởi kiện giảnh quyền nuôi con sau ly hôn mức án phí, lệ phí toà án là: 300.000 đồng.

Miễn trừ trách nhiệm:

Bài viết này chỉ cung cấp các thông tin chung và các Văn bản hoặc các quy định của pháp luật được trích dẫn tại bài viết có thể được sửa đổi, thay thế và/hoặc hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc bài viết này. Luật Bạch Minh không chịu trách nhiệm liên quan đến việc Khách hàng sử dụng nội dung bài viết này như là ý kiến tư vấn pháp lý chính thức của chúng tôi cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào.

Chúng tôi khuyến nghị Khách hàng nên tham khảo ý kiến của Luật sư/Chuyên gia pháp lý trước khi áp dụng.

Bản quyền bài viết thuộc về Luật Bạch Minh, mọi hành vi Copy/Sao chép nếu chưa được sự chấp thuận của chúng tôi là vi phạm pháp luật.


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại TP Hà Nội

Mobile: 0904152023

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh

Mobile: 0865 285828

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Chat với Luật Sư
Chat ngay