Về quyền nuôi con khi ly hôn

1. Quyền nuôi con sau ly hôn theo quy định của pháp luật

Theo quy định của pháp luật cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động mà không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân. Tuy nhiên sau khi ly hôn do cha mẹ không sống cùng nhau nên cha mẹ phải thoả thuận về việc ai sẽ là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trường hợp nếu cha mẹ không thỏa thuận được vì ai cũng muốn giành quyền trực tiếp nuôi con thì yêu cầu toà án xem xét và giải quyết.

Quy định về quyền và nghĩa vụ nuôi con được cụ thể tại  Luật Hôn nhân và gia đình như sau:

 Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

2. Về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi:

Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình hiện hành, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Vậy câu hỏi được đặt là đó là trường hợp nào được coi là “trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”

Để hướng dẫn áp dụng thống nhất, ngày 16 tháng 5 năm 2024 Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình với một số nội dung hướng dẫn cơ bản về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Theo đó “Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

b) Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

c) Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Cần lưu ý rằng: trường hợp các điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người cha không tốt hơn điều kiện của người mẹ như đã nói ở trên thì Tòa án quyết định giao con cho mẹ trực tiếp nuôi.

3. Các điều kiện giành quyền trực tiếp nuôi con?

Trường hợp cha mẹ không thỏa thuận được về ai sẽ là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3.1 Vậy “quyền lợi về mọi mặt của con” là những gì?

Theo Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

Khi xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí sau đây:

a) Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;

b) Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;

c) Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;

d) Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;

đ) Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;

e) Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;

g) Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.

3.2 Phải xem xét nguyện vọng của con nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên

Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, mức độ trưởng thành để con có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình;

b) Không lấy ý kiến trước mặt cha, mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho con;

c) Không ép buộc, không gây áp lực, căng thẳng cho con.

4. Quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con:

– Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

– Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, cha mẹ trực tiếp nuôi dưỡng con không lạm dụng việc nuôi dưỡng để gây cản trở đến quyền thăm nom con, chăm sóc giáo dục con của người con lại.

5. Quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Về nghĩa vụ cấp dưỡng cần lưu ý:

+ Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con phát sinh kể từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Tòa án giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.

–  Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Tuy nhiên,  không được lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

6. Các trường hợp hạn chế quyền của cha, mẹ với con chưa thành niên:

6.1 Các trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên:

– Cha mẹ bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật “về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý” quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên với lỗi cố ý.

Ví dụ: Cha, mẹ bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên.

– Cha mẹ có “Hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con hoặc làm tổn hại đến sư phát triển toàn diện của con.

Ví dụ: Cha, mẹ bỏ mặc con chưa thành niên tự sinh sống, không có điều kiện để tự nuôi mình dẫn đến con có hành vi trộm cắp tài sản.

– Cha mẹ “Phá tán tài sản của con” là mua, bán, tặng cho, hủy hoại hoặc hành vi khác làm thiệt hại đến tài sản của con mà không vì lợi ích của con.

– Cha mẹ “Có lối sống đồi trụy” là lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Ví dụ: Cha, mẹ thực hiện hoạt động mại dâm.

– Cha mẹ “Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” là hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy, ép buộc bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng bất cứ hình thức nào dẫn đến con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Ví dụ: xúi giục, ép buộc dẫn đến con bỏ học, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển trái phép chất ma túy.

6.2 Các quyền mà cha mẹ bị hạn chế:

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Ví dụ: Trường hợp Cha mẹ bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật “về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý”  với con chưa thành niên với lỗi cố ý hoặc Cha mẹ “Có lối sống đồi trụy” hoặc Cha mẹ “Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan tổ chức Tòa án có thể ra Quyết định Không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con.

7. Quy định về thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn:

7.1 Thay đối quyền nuôi con sau ly hôn theo thoả thuận của vợ chồng:

Xuất phát từ các điều kiện thực tế của mỗi bên trong việc nuôi và chăm sóc giáo dục con và nhu cầu sinh hoạt học tập của con mà cha mẹ sẽ thoả thuận về việc thay đổi người nuôi con nhằm đảm bảo con được hưởng các điều kiện chăm sóc giáo dục tốt nhất. Toà án xem xét giải quyết thay đổi quyền nuôi con nếu xét thấy thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

7.2 Thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn theo yêu cầu của một bên

Bản chất của việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con theo yêu cầu của một bên là vụ án tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn. Theo đó, người không trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xem xét giải quyết thay đổi quyền nuôi con nếu thấy:

Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con

Người đang trực tiếp nuôi con không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng con

Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

7.3 Thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn theo yêu cầu của cá nhân cơ quan tổ chức:

Trong trường hợp có căn cứ cho rằng người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc có hành vi ngược đãi con nhưng bên kia không có ý kiến hoặc không dám có ý kiến thì trên cơ sở lợi ích của con những người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ  có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự

8. Cơ sở pháp lý về quyền nuôi con khi ly hôn

– Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2014 cảu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình;

– Nghị quyết số: 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/05/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ án Hôn nhân và gia đình;

– Án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

9. Hỏi đáp về quyền nuôi con khi ly hôn

Miễn trừ trách nhiệm:

Bài viết này chỉ cung cấp các thông tin chung và các Văn bản hoặc các quy định của pháp luật được trích dẫn tại bài viết có thể được sửa đổi, thay thế và/hoặc hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc bài viết này. Luật Bạch Minh không chịu trách nhiệm liên quan đến việc Khách hàng sử dụng nội dung bài viết này như là ý kiến tư vấn pháp lý chính thức của chúng tôi cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào.

Chúng tôi khuyến nghị Khách hàng nên tham khảo ý kiến của Luật sư/Chuyên gia pháp lý trước khi áp dụng.

Bản quyền bài viết thuộc về Luật Bạch Minh, mọi hành vi Copy/Sao chép nếu chưa được sự chấp thuận của chúng tôi là vi phạm pháp luật.


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại TP Hà Nội

Mobile: 0904152023

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh

Mobile: 0865 285828

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Chat với Luật Sư
Chat ngay